Các quan sát với độ phân giải siêu cao về lớp vỏ quanh các sao tiệm cận khổng lồ đỏ (AGB) giàu ô-xy, đặc biệt là từ hệ kính VLT và hệ đo vô tuyến ALMA, đã tiết lộ các cấu trúc rất phức tạp. Mô hình mô phỏng thủy động học mới (vd. Höfner & Freytag 2019) cho thấy cấu trúc phức tạp như vậy có thể là kết quả của các sốc sinh ra do sự kết hợp của đối lưu và xung động của sao. Trong bài báo này, chúng tôi trình bày kết quả nghiên cứu hình thái và động học của lớp vỏ sao R Leo  thông qua phát xạ của các vạch phân tử, đặc biệt là CO(2-1) và 29SiO(5- 4) được quan sát bởi ALMA. R Leo là sao AGB giàu ô-xy với chu kỳ dao động là 310 ngày và tốc độ mất khối lượng ~1.0 10−7 khối lượng Mặt trời mỗi năm. 

Chúng tôi tìm thấy bằng chứng về một giai đoạn mất khối lượng tăng cường. Nó bắt đầu cách đây vài thế kỷ và tạo ra lớp vỏ hiện nay với bán kính trung bình ~6 arcsec, giãn nở với vận tốc trung bình ~5,5 km/s. Thông qua phát xạ CO(2-1) chúng tôi nhận thấy lớp vỏ này không đồng nhất. Sự không đồng nhất này cũng được quan sát ở lớp khí gần sao thông qua phát xạ SiO, SO và SO2 với các dòng khí phóng ra ở các góc khối khác nhau phía Đông Nam, Tây Nam và Tây Bắc, cho thấy sự đóng góp đáng kể của các cụm đối lưu trong việc phóng vật chất từ sao. Phát xạ maser của SiO ở mức dao động cao được tìm thấy ở phía Tây Bắc của lớp khí nóng, phù hợp với quan sát trước đó về lớp vỏ giãn nở không đối xứng trong phạm vi 1-2 bán kính sao. Nhìn chung, hình thái và động học của lớp vỏ sao bị chi phối chủ yếu bởi sự phóng vật chất theo từng đợt.

Tham khảo

  1. Hoai, D. T., Nhung, P. T., Tan, M. N., et al. 2022, Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, 518 (Oxford University Press (OUP)), 2034, http://dx.doi.org/10.1093/mnras/stac3176