Cùng tham dự Trại hè nghiên cứu và khám phá thiên văn 2024 tại Trường Đại học Tây Nguyên có khoảng 50 giáo sư, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh đến từ Nhật Bản, Pháp, Đan Mạch, Đức, Ba Lan, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và các trường đại học trong nước. Về phía Trường ĐHTN có PGS. TS Lê Đức Niêm – Phó Bí thư ĐU – Phó Hiệu trưởng, Lãnh đạo Phòng KH&QHQT; lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của khoa Khoa học Tự nhiên và Công nghệ.

Với mong muốn cung cấp cho sinh viên, học viên kiến thức thiên văn về hành tinh, hình thành sao, thiên hà…; phương pháp tiếp cận khoa học, phương pháp quan sát và phân tích dữ liệu thiên văn bằng các phần mềm chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, sinh viên, học viên còn được các chuyên gia hướng dẫn phương pháp nghiên cứu thiên văn, thực hiện đề tài nghiên cứu thiên văn cụ thể để có thể phát triển thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, khóa luận hoặc luận văn.

Phát biểu tại khai mạc Trường hè, PGS. TS Lê Đức Niêm – Phó Bí thư ĐU – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHTN đã chia sẻ: “Thiên văn học là một lĩnh vực đang được Nhà trường chú trọng trong đào tạo sinh viên các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ xây dựng Đài thiên văn Tây Nguyên trong khuôn viên của Trường để tạo điều kiện cho cán bộ, nghiên cứu sinh và sinh viên có nhiều cơ hội nghiên cứu và học tập bằng nhiều phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực thiên văn học. Thông qua Trại hè, sẽ tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên, sinh viên Nhà trường có cơ hội gặp gỡ các nhà thiên văn trên thế giới, đặc biệt là các nhà thiên văn học người Việt đang làm việc tại các Trung tâm nghiên cứu nước ngoài. Từ đó thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, trao đổi và chia sẻ những kết quả nghiên cứu về thiên văn học giữa các nhà khoa học ngày càng hiệu quả hơn."

Trong suốt thời gian diễn ra Trường hè, sinh viên và học viên sẽ nghiên cứu, khám phá về vật lý thiên văn cả về cơ sở lý thuyết và thực nghiệm, cách vận hành kính thiên văn, các thiết bị quan sát; thiết kế và thử nghiệm các dụng cụ khoa học, đồng thời tiến hành quan sát, xử lý số liệu như các nhà thiên văn học chuyên nghiệp.

Các chủ đề nghiên cứu tại Trường hè năm nay gồm: Kỹ thuật quan sát thiên văn; phương pháp quan sát cụm sao;thiên văn học quan sát; kết quả mới với JWST; phương pháp trắc quang; khoảng cách trong thiên văn; thiên hà, thiên văn học năng lượng cao; giới thiệu về thiên văn hóa học; Mặt Trời và tác động của nó tới Trái Đất; từ trường trong môi trường giữa các vì sao; quá trình vật lý và hóa học trong không gian; hướng dẫn sử dụng phần mềm điều khiển kính và phân tích dữ liệu được sử dụng tại Đài thiên văn Quy Nhơn; tổng quan về các thiên hà và cụm thiên hà, thiên văn học tần số thấp.

Với những điều kiện thiên nhiên ưu đãi, cùng với sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu, các trung tâm, hi vọng Trường Đại học Tây Nguyên có thể tận dụng những thuận lợi này để tạo bước đột phá trong việc đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực thiên văn học trong trường đại học.

Tin từ Đại học Tây Nguyên